Vùng ngôn ngữ học Đông Nam Á Lục địa Các_ngôn_ngữ_Đông_Á

Vùng ngôn ngữ học Đông Nam Á Lục địa trải dài từ Thái Lan đến Trung Quốc và là quê hương của những người nói các thứ tiếng thuộc các ngữ hệ Hán-Tạng, H'Mông-Miền (hoặc Mèo-Dao), Tai-Kadai, Nam Đảo (đại diện là ngữ tộc Chamic) và Nam Á. Các ngôn ngữ trong những ngữ hệ này khi phân bố gần nhau, mặc dù được cho là không liên hệ với nhau, lại thường có các đặc điểm hình thái tương đồng được cho là hình thành do khuếch tán.[8]

Đặc trưng của nhiều ngôn ngữ trong vùng ngôn ngữ học ĐNÁ lục địa là một cấu trúc âm tiết đặc biệt như hình vị đơn âm tiết, thanh điệu, số lượng phụ âm khá lớn, bao gồm phụ âm bật hơi, các phụ âm phức bị giới hạn ở đầu âm tiết, các cặp nguyên âm tương phản phong phú và tương đối ít phụ âm cuối. Các ngôn ngữ ở phần phía Bắc của vùng có ít nguyên âm và phụ âm cuối tương phản hơn nhưng lại có nhiều phụ âm đầu tương phản hơn.[9]

Một đặc trưng nổi tiếng là hệ thống thanh điệu tương đồng trong các thứ tiếng Hán, H'Mông-Miền, Tai và Việt. Hầu hết các ngôn ngữ này đã trải qua thời kì đầu với ba thanh điệu trên hầu hết âm tiết (trừ các âm tiết đóng kết thúc bằng một phụ âm tắc), theo sau là sự phân chia thanh điệu khi sự khác biệt giữa phụ âm vô thanh và hữu thanh biến mất và thay vào đó số lượng thanh điệu tăng gấp đôi.Những điểm tương đồng này đã gây ra nhầm lẫn trong việc phân loại các ngôn ngữ này, cho đến khi Haudricourt vào năm 1954 chỉ ra rằng thanh điệu không phải là một đặc trưng bất biến bằng cách chứng tỏ rằng các thanh điệu trong tiếng Việt ứng với một số phụ âm cuối trong ngữ hệ Môn-Khmer, và đề xuất rằng thanh điệu trong các ngôn ngữ khác cũng có nguồn gốc tương tự.[10]

Các ngôn ngữ thuộc vùng ngôn ngữ học ĐNÁ Lục địa thường có hình thái đơn âm tiết, mặc dù có một vài ngoại lệ.[11] Hầu hết chúng là những ngôn ngữ phân tích không có biến tố và rất ít hình thái phái sinh. Các mối quan hệ về ngữ pháp thường được biểu hiện bởi trật tự từ, tiểu từ và giới từ kiêm động từ hoặc giới từ. Tình thái được biểu đạt bằng cách sử dụng trợ từ đứng cuối câu. Trật tự từ thường gặp trong các ngôn ngữ thuộc vùng ngôn ngữ học ĐNÁ Lục địa là Chủ ngữ-Động từ-Bổ ngữ. Tiếng Hán và Karen được cho là đã chuyển sang trật tự từ này từ trật tự từ Chủ-Bổ-Động vốn được hầu hết các thứ tiếng Hán-Tạng khác giữ lại. Thứ tự của các thành phần trong một cụm danh từ là khác nhau: Ở các ngôn ngữ Tai, tiếng Việt và tiếng Mèo, danh từ đứng trước, yếu tố phụ đứng sau, trong khi đó, các phương ngữ Hán và tiếng Dao có yếu tố phụ đứng trước danh từ. Cấu trúc chủ đề-bình luận cũng thường gặp.[12]